Site icon HOANG CAO DAT Blog

5 nhóm trái cây người ung thư nên ăn thường xuyên

Người bệnh ung thư nên thường xuyên ăn lựu, táo, chuối, nho để bổ sung vitamin C, chất chống oxy hóa, góp phần tăng cường hệ miễn dịch, giảm tổn thương tế bào.

Chế độ ăn nhiều trái cây, rau, củ tốt cho sức khỏe người bệnh ung thư. Một số loại có đặc tính chống ung thư, góp phần tăng tác dụng của thuốc điều trị và ngăn bệnh tái phát.

Trái cây họ cam quýt như bưởi, quýt, cam giàu vitamin C, chất chống oxy hóa, sắc tố thực vật carotenoid, vitamin B1, folate, kali… Chúng hỗ trợ chống lại một số bệnh ung thư gồm ung thư đại trực tràng, ung thư phổi, ung thư tuyến tụy, ung thư tuyến tiền liệt, ung thư vú, ung thư vòm họng. Ăn 3-4 trái cam một tuần góp phần tăng sức đề kháng cho cơ thể, ít có khả năng tái phát ung thư.

Trái cây xanh gồm kiwi, nho xanh chứa chất chống oxy hóa hỗ trợ ngăn ngừa hình thành các khối u ác tính. Nhóm trái cây này còn giàu chất xơ, thúc đẩy đường ruột hỗ trợ loại bỏ độc tố trong cơ thể.

Trái cây màu vàng như dứa, chuối. Dứa chứa enzyme bromelain với đặc tính chống viêm, có thể ức chế sự phát triển của tế bào ác tính. Chuối mềm, tốt cho người bị khó nuốt, cung cấp nhiều chất dinh dưỡng quan trọng như vitamin B6, vitamin C, mangan. Chất xơ pectin trong chuối có lợi cho người bị tiêu chảy hoặc táo bón do điều trị ung thư. Kali giúp bổ sung chất điện giải đã mất do tiêu chảy hoặc nôn mửa.

Táo và các loại trái cây màu trắng khác như lê đều giàu polysaccharides (một loại carbohydrate) và sắc tố thực vật quercetin có thể chống lại các tế bào ung thư. Táo và lê còn chứa nhiều chất xơ, vitamin. Ăn táo, lê nguyên vỏ giúp tận dụng lượng chất xơ do phần vỏ chứa nhiều chất chống oxy nhất. Ăn chúng thường xuyên có lợi cho sức khỏe người bệnh ung thư đại trực tràng, ung thư vú.

Trái cây màu đỏ như lựu, mâm xôi. Chất chống oxy hóa trong lựu là punicalagin có khả năng chống lại quá trình oxy hóa. Nước ép lựu chứa nhiều vitamin K, góp phần cải thiện trí nhớ, giúp ích cho người bị suy giảm khả năng tập trung do hóa trị.

Mâm xôi giàu vitamin C, mangan, kali, folate, vitamin K và một lượng lớn chất chống oxy hóa gồm axit ellagic, axit galic, axit clohydric. Loại trái cây mọng nước này có thể bảo vệ DNA khỏi tổn thương, trung hòa các gốc tự do, làm chậm sự phát triển và lây lan của tế bào ung thư.

Ngoài những loại trên, trái mềm như đào, nho cũng góp phần giảm buồn nôn khi hóa xạ trị. Người bệnh ung thư bị chán ăn nên chọn loại giàu calo như trái cây sấy khô, sinh tố trái cây để bổ sung dinh dưỡng cho cơ thể.

Trích nguồn Vnexpress Anh Chi (Theo WebMD, Healthline)

Tham khảo thêm

Bệnh ung thư kiêng loại hoa quả gì?

  • Bệnh nhân không nên ăn hoa quả quá chín, bốc mùi hoặc hoa quả bị nấm mốc. Bởi trong các loại quả này có chứa các vi khuẩn, dễ gây nhiễm trùng cho người có hệ miễn dịch yếu. Điều này dễ khiến người bệnh gặp các vấn đề sức khỏe, khiến tình trạng bệnh của họ trầm trọng hơn.
  • Trái cây ngâm ủ hóa chất, chín ép : Nếu bệnh nhân ăn phải các thực phẩm này dễ bị ngộ độc tiêu hoá, đột biến DNA. Các tác nhân này sẽ tấn công cơ thể khiến bệnh lý diễn biến nhanh chóng, phức tạp hơn. Đồng thời, các hoạt chất hoá học trong trái cây chín ép cũng khiến niêm mạc dạ dày, ruột,… bị kích thích, khiến người bệnh khó chịu và mệt mỏi hơn.
  • Hoa quả sấy cũng nằm trong danh sách các loại trái cây cần hạn chế. Nguyên nhân là các loại hoa quả sấy thường chứa nhiều nấm mốc, phụ gia và chất bảo quản, gây hại cho sức khỏe. Bởi nấm mốc dễ gây nhiễm trùng cho cơ thể, đặc biệt làm hệ miễn dịch suy yếu sau khi điều trị ung thư. Chất phụ gia và bảo quản có thể phản ứng với thuốc điều trị, gây hại cho bệnh nhân.  Bên cạnh đó, các loại đường, muối, dầu chiên trong hoa quả, đồ chế biến sẵn này cũng khiến người bệnh tăng cân béo phì, huyết áp cao và gây áp lực cho hệ tiêu hoá.
  • Táo sáp là loại táo bên ngoài thường được phủ một lớp sáp (hóa chất công nghiệp) để trái cây trông đẹp mắt và tươi lâu hơn. Tuy nhiên, lớp sáp này có hại cho cơ thể, khiến hệ miễn dịch của người bệnh suy giảm khi điều trị bệnh K. Mặt khác, các hoá chất này cũng có thể làm giảm hiệu quả điều trị và gây ra các tác dụng phụ không mong muốn.
  • Trầu cau cũng nằm trong danh sách này bởi nó chứa chất alkaloids dễ gây kích ứng niêm mạc miệng và dạ dày. Đối với bệnh nhân ung thư, đặc biệt là những người đang thực hiện hoá và trị có thể khiến họ dễ bị viêm loét miệng, khô tuyến nhầy, khiến họ ăn uống kém, chán ăn và ảnh hưởng đến hiệu quả chữa bệnh.

Kiêng hoa quả phụ thuộc vào tình trạng bệnh

Chế độ dinh dưỡng dành cho những người bệnh ung thư khác nhau sẽ có sự khác biệt. Điển hình như:

  • Trước khi điều trị, bệnh nhân phải kiêng các loại trái cây nhiều đường.
  • Trong và sau điều trị, thực đơn của người bệnh cần hạn chế cả các loại hoa quả cứng hoặc trái cây có vị chua (chứa nhiều axit). Nguyên nhân là người bệnh ung thư dễ bị nhiệt, loét miệng, giảm tiết nước bọt và khô màng nhầy. Nếu bạn còn ăn trái cây cứng hay ăn hoa quả chua thì dễ bị đau rát, kích ứng niêm mạc tiêu hóa khiến cơ thể phục hồi chậm.
Nếu bạn thấy hữu ích hãy chia sẻ
Exit mobile version