Bí đao (bí xanh) vị ngọt nhạt, tính mát, không chỉ là món ăn tốt cho người thừa cân béo phì, người bị phù nề mà còn có tác dụng tốt trị bệnh đái tháo đường, cảm nóng, viêm đường tiết niệu, bệnh thận, gan, bệnh đường hô hấp…
Bí đao – Loại thực vật tốt cho sức khỏe
Thạc sĩ Hoàng Khánh Toàn – nguyên chủ nhiệm khoa đông y (Bệnh viện Trung ương Quân đội 108) – cho biết bí đao là một loại thực vật rất tốt cho sức khỏe. Hàm lượng nước của bí đao nhiều, chất cùi non mịn, thanh đạm ngon lành mà lại không có chất béo.
Theo nghiên cứu hiện đại, trong bí đao ngoài protein, chất đường và chất xơ thô ra, còn có chứa các loại vitamin và muối vô cơ mà cơ thể cần. Cứ 500g bí đao chứa 8g đường, 1,5g anbumin, 6,1g vitamin C và canxi, phốt pho, sắt, vitamin B1, B2…
Bên cạnh đó, bí đao chứa hàm lượng dầu thực vật cao, rất có lợi cho da và tóc. Bí đao có tác dụng trong phòng, chữa một số bệnh như: táo bón, giảm viêm tấy, chống ho, hen suyễn…
Còn bác sĩ Đinh Minh Trí (Đại học Y Dược TP HCM) khẳng định chế biến bí đao đúng cách có thể giúp phòng ngừa và hỗ trợ trị liệu nhiều bệnh:
– Thừa cân, béo phì: Bí đao chứa rất nhiều nước, ít năng lượng, không có chút chất béo nào, ăn bí đao sẽ giúp no lâu mà lại không lo về lượng calo vừa nạp vào.
Đặc biệt, hợp chất hóa học có tên hyterin-caperin trong bí đao có khả năng ngăn không cho đường chuyển hóa thành mỡ, giảm tích tụ mỡ trong cơ thể nên lý tưởng để chữa béo phì.
Mỗi ngày uống từ 0,2 – 0,5 lít nước bí đao để giúp giảm cân nhanh chóng. Tuy nhiên chú ý bí đao có tính mát nên đối với những người có cơ địa lạnh thì nên bắt đầu với liều lượng ít rồi tăng dần để có thể thích nghi.
Thịt quả bí đao chứa nhiều chất xơ dạng sợi rất có lợi cho tiêu hóa. Các vitamin B9, vitamin C, vitamin E, vitamin A và các khoáng chất kali, phốt pho, magie có trong bí đao cũng góp phần giúp vòng eo thon gọn, tránh tích lũy mỡ ở bụng. Vỏ bí đao chứa nhiều vitamin và chất khoáng nên thay vì bỏ đi thì có thể ăn cả vỏ, đặc biệt khi quả còn non.
– Giải độc gan và thanh nhiệt cơ thể: Bí đao có tính mát, ngọt dịu, có công dụng giải độc, thanh nhiệt, tiêu đờm, lợi tiểu. Người bị gan nhiễm mỡ, suy gan nên sử dụng trà bí đao thường xuyên để mang lại hiệu quả giải độc gan tốt nhất.
– Cải thiện thị lực: Bí đao có chứa hàm lượng vitamin B2 rất cao, nhờ đó ăn bí đao giúp làm giảm những nguy cơ về rối loạn mắt, hỗ trợ làm giảm stress oxy hóa ở võng mạc. Bí đao còn giúp giảm nguy cơ về thoái hóa điểm vàng.
– Tốt cho tim mạch: Ngoài vitamin B2 và C, lượng kali trong bí đao cũng nhiều, chính vì thế mà bí đao được gọi là “thực phẩm vàng” cho tim mạch.
-Tốt cho hệ tiêu hóa: Trong bí đao có chất xơ dạng sợi, vô cùng tốt cho đường ruột, giúp hệ tiêu hóa khỏe mạnh và ngăn ngừa táo bón, đau dạ dày, chướng bụng… Lượng calo thấp, chất xơ cao và hàm lượng nước cao của bí đao giúp cải thiện tiêu hóa và thúc đẩy trọng lượng cơ thể khỏe mạnh.
– Làm đẹp: Bí đao còn sử dụng trong làm đẹp da, trị mụn. Cao bí đao là phương thuốc phái đẹp tin dùng, do có nhiều vitamin A, B, C, E, các hoạt chất chống lão hóa và vô vàn các khoáng chất cần thiết cho làn da.
Món ngon – bài thuốc chữa bệnh từ bí xanh – bí đao
Thạc sĩ Toàn cho biết theo Đông y, bí đao vị ngọt, tính hàn, có tác dụng lợi tiểu, tiêu sưng, tiêu đờm cắt ho, giảm béo, là thức ăn bổ cực tốt trong mùa nóng.
Thường xuyên ăn bí đao không chỉ có thể lợi tiểu, trừ thấp mà tính mát, khả năng thanh nhiệt, giải độc của bí đao có lợi cho người mắc các chứng bệnh lý hô hấp có ho và khạc đờm do nhiệt, bệnh tiểu đường, tim mạch, cao huyết áp, phù thũng, bệnh gan, phù khi mang thai, táo bón, ho, hen suyễn, viêm tấy…
– Cháo bí đao trị béo phì: Bí đao tươi cả vỏ 100g, gạo tẻ 50g. Bí đao rửa sạch thái miếng nhỏ, gạo tẻ vo sạch, hai thứ đem ninh nhừ thành cháo, mỗi ngày ăn vài lần, mỗi lần 1 bát nhỏ.
Công dụng: Thanh nhiệt giải độc, lợi thủy tiêu thũng và làm hết khát; rất thích hợp với những người thừa cân béo phì, người bị phù nề, tiểu đường, cảm nắng, cảm nóng, viêm đường tiết niệu, trẻ em bị bệnh ngoài da trong mùa hè.
– Chè bí đao chữa sốt cao, ho nhiều: Bí đao 250g, gọt vỏ, rửa sạch, thái miếng rồi đem nấu nhừ, chế thêm một chút đường phèn, chia ăn vài lần trong ngày, dùng liên tục 5 – 7 ngày. Thích hợp với những trường hợp có sốt cao, ho nhiều.
– Canh bí đao chữa gãy xương: Bí đao 150g, xương sườn heo 100g. Đem xương sườn hầm nhừ gạt bỏ váng mỡ rồi cho bí đao, hành và gia vị vào nấu thành canh ăn. Dùng cho trường hợp gãy xương tại chỗ sưng nề nhiều.
– Nước vỏ bí đao lợi tiểu ngừa sỏi: Vỏ bí đao 60g, râu bắp 60g, vỏ quả cau 30g. Tất cả rửa sạch, sắc với 4 bát nước lấy còn 1 bát, hòa thêm một chút đường phèn, chia uống vài lần trong ngày. Có công dụng thanh nhiệt, lợi niệu, hóa thạch.
– Vỏ bí đao chữa phù thũng: Vỏ bí đao 100g, tàm đậu (đậu răng ngựa) 100g, nước 2 lít. Tất cả cho vào nồi nấu trong 2 giờ rồi bỏ bã lấy nước uống trong ngày. Công dụng: kiện tỳ trừ thấp, lợi thủy tiêu thũng.
– Chữa phì đại tuyến tiền liệt: Bí đao 350g, ý dĩ sống 50g, đường trắng lượng vừa đủ. Bí đao gọt vỏ, rừa sạch, thái miếng; ý dĩ đãi sạch. Hai thứ đem nấu chín, chế thêm đường, chia ăn vài lần trong ngày. Món này tốt cho người bị phì đại tuyến tiền liệt thể bàng quang thấp nhiệt…
– Chữa rối loạn lipit máu: Bí đao 200g, lá sen 1 cái, nước 1 lít. Bí đao rửa sạch, thái miếng; lá sen thái vụn. Hai thứ cho vào nồi nấu trong 1 giờ, pha thêm một chút muối, dùng làm nước giải khát.
Công dụng: thanh nhiệt, giải thử trừ phiền, lợi thủy tiêu thũng, sinh tân chỉ khát. Dùng rất tốt cho những người bị mụn nhọt, viêm loét miệng lưỡi, béo phì, rối loạn lipit máu, viêm đường tiết niệu…
– Chống cảm nóng, cảm nắng: Bí đao 500g ép lấy nước, hòa thêm một chút muối, chia uống vài lần trong ngày. Hoặc bí đao 500g, dưa hấu 500g, đường trắng vừa đủ, ép lấy nước rồi chế thêm một chút đường trắng, chia uống nhiều lần trong ngày.
Công dụng: ích tỳ, giải nhiệt tiêu độc, lợi niệu trừ phù. Dùng làm nước giải khát về mùa hè rất tốt, có tác dụng phòng chống cảm nắng, cảm nóng, mụn nhọt, lở ngứa, rôm sảy…
Lưu ý khi sử dụng bí đao – bí xanh
- Bí đao dù rất tốt nhưng bạn cũng chỉ nên ăn bí đao 1 – 2 bữa/tuần.
- Việc giảm cân với bí đao cần kết hợp với thực đơn đầy đủ dinh dưỡng để tránh thiếu hụt các chất khiến cơ thể giảm đề kháng.
- Không dùng bí đao ăn hoặc uống sống vì chúng có tính chất xà phòng, có thể gây rối loạn và gây bệnh cho hệ tiêu hóa.
- Không uống nước ép bí xanh sống vì loại quả này có tính xà phòng cao, dễ gây bệnh cho đường tiêu hóa.
- Người bị bệnh dạ dày hay thân hàn nên dùng ít bí xanh.
- Phụ nữ mới sinh và trẻ nhỏ nếu hệ tiêu hóa yếu thì mùa đông nên hạn chế ăn bí xanh để tránh bị khó tiêu.
- Không ăn bí xanh với giấm hay đậu đỏ để tránh bị triệt tiêu chất dinh dưỡng của bí xanh, làm tăng lượng nước tiểu đột ngột dẫn đến mất nước.
Trích nguồn Tuổi trẻ